Cần ưu đãi hơn cho ngành cơ khí

Dành nhiều ưu đãi hơn cho sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp, cần gấp rút tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp. Đó là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo Công Thương với ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến – Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT).

Với động cơ diesel cỡ nhỏ, chúng ta chiếm được khoảng 30% thị phần. Với động cơ diesel cỡ lớn từ 100 mã lực trở lên thì gần như chúng ta không sản xuất được. Theo ông nguyên nhân vì sao?

Đúng là hiện nay, với động cơ diesel cỡ lớn từ 100 mã lực trở lên thì gần như chúng ta không sản xuất được, phải nhập khẩu các máy đã qua sử dụng của nước ngoài như ở Nhật Bản, Đức với giá thành cũng rất cao (từ 500-700 triệu đồng). Tại sao mình chưa làm được? Cái này cũng tồn tại rất nhiều vướng mắc cần phải gỡ. Thứ nhất đó là lý do từ thị trường. Chúng ta rõ ràng có nhu cầu, có thị trường tiêu thụ nhưng khi đã sản xuất ra và bán được cho ai lại là chuyện khác.

Thứ hai là để sản xuất ra hàng vừa phải đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả, thương hiệu… thì rõ ràng các doanh nghiệp trong nước còn chưa sẵn sàng. Trong bối cảnh lãi suất cao như vậy thì việc đầu tư vào cơ khí cũng rất rủi ro. Hiện tại, lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp cơ khí là 14,4%/năm. Với lãi suất này cũng rất khó để các doanh nghiệp dám đầu tư.

Các DN trong nước cần làm gì để chiếm lĩnh lại thị trường này?

Chúng ta phải đặt ngành cơ khí nông nghiệp vào sự liên kết toàn ngành và liên kết quốc tế, phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường năng lực chế tạo, thậm chí liên kết với các hãng nước ngoài để liên kết thương hiệu của họ. Cần nhanh nhạy để nắm bắt đúng nhu cầu thị trường. Điển hình như tại vùng ĐBSCL, họ duy trì quy mô sản xuất lớn, cần những máy diesel công suất lớn nhưng các đơn vị trong nước vẫn làm máy nhỏ, không đáp ứng được.

Tuy nhiên, để các DN có thể năng động và nhạy bén, trước hết cần có cơ chế để các DN được tự chủ. Muốn vậy, phải quyết liệt cổ phần hóa (CPH) mạnh mẽ các DN nhà nước. Chỉ khi nào thực hiện triệt để công tác CPH chúng ta mới có thể tăng tính chủ động của từng cá nhân trong DN, góp phần phá tan “sức ỳ” cố hữu trong một số DN nhà nước ở lĩnh vực này.

Nhà nước cần hỗ trợ gì thêm, thưa ông?

Trong 10 năm (từ 1992 – 2002), vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp quá khiêm tốn, chỉ từ 5% tới 6%, tương đương 1,5% GDP, trong khi nông nghiệp luôn đóng góp 20% tổng sản phẩm nội địa. Những năm tiếp theo, tổng vốn đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp nông thôn đã nhích lên, nhiều năm gần đây đã vượt trên con số 10%. Tuy nhiên, con số này chưa thấm vào đâu. Nhà nước cần đầu tư vốn nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, trong đó có cơ khí phục vụ nông nghiệp. Cần coi phát triển ngành cơ khí như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Nhà nước cần bố trí lại các lĩnh vực cơ khí theo các nhóm: Cơ khí chế tạo; cơ khí động lực… Trên cơ sở đó, bổ sung các chính sách ưu đãi và đặc biệt ưu đãi để phát triển một số lĩnh vực then chốt, mà cụ thể ở đây là chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhà nước cũng cần tạo điều kiện thu xếp đủ vốn vay từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển đối với các dự án sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt, phù hợp với Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm.